Giải đáp thắc mắc Thuế TNCN

Quyết toán thuế có rất nhiều vấn đề, tuy nhiên có chủ đề về quyết toán thuế mà được rất nhiều người quan tâm cho dù bạn có là cá nhân hay công ty gì thì cũng quan tâm đến nó, đó chính là Quyết Toán Thuế TNCN.

DOHICO xin phép chia sẻ đến Bạn một số câu hỏi thắc mắc liên quan đến Thuế TNCN .

Câu hỏi 1 : Khoản thu nhập nào được coi là thu nhập chịu thuế TNCN?

Căn cứ quy định tại: Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12, Luật số 26/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 Các khoản thu nhập chịu thuế Thu nhập cá nhân bao gồm:

1. Thu nhập từ kinh doanh (Không bao gồm thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.) Như vậy hộ cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 100tr/năm thì không phải nộp thuế TNCN.
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công.
3. Thu nhập từ đầu tư vốn.
4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn.
5.Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.

6. Thu nhập từ trúng thưởng.
7.Thu nhập từ bản quyền.
8. Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.
9. Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
10. Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.

Câu hỏi 2: Mức tính giảm trừ gia cảnh là bao nhiêu?

Hiện nay tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân là 11tr/người. Mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là 4,4tr/người.

Giả sử nếu một lao động có 2 người phụ thuộc thì mức giảm trừ gia cảnh sẽ bằng 11+(4,4×2)=19,8tr. Vì vậy nếu thu nhập chịu thuế của người lao động ở dưới mức này thì bạn sẽ không phải nộp thuế TNCN nhé.

Câu hỏi 3: Tính giảm trừ gia cảnh đối với trường hợp ủy quyền quyết toán và không ủy quyền quyết toán?

Trường hợp ủy quyền quyết toán, nếu cá nhân thuộc trường hợp ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức chi trả thì khi Quyết Toán Thuế người lao động trong trường hợp này được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân đủ 12 tháng và giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng.

Trường hợp không thuộc diện ủy quyền quyết toán thuế TNCN cho cơ quan chi trả thì trong năm tại tổ chức chi trả sẽ chỉ tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân theo thực tế tháng phát sinh thu nhập tại tổ chức chi trả, chỉ tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc theo thực tế hồ sơ đăng ký người phụ thuộc tại tổ chức chi trả. Đến cuối năm cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế thì sẽ được tính lại các khoản giảm trừ theo nguyên tắc được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân đủ 12 tháng và giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng.  

Câu hỏi 4: Thủ tục và các bước hoàn thuế TNCN nộp thừa trong năm là như thế nào?

Trường hợp tổ chức, cá nhân trả thu nhập sau khi thực hiện quyết toán theo ủy quyền của cá nhân mà đối với từng cá nhân có phát sinh số thuế phải nộp thêm hoặc số thuế nộp thừa thì sẽ được bù trừ giữa các cá nhân, sau đó nếu vẫn còn số thuế nộp thừa sẽ được bù trừ với số thuế phát sinh phải nộp của kỳ tiếp theo.

Trường hợp sau khi bù trừ mà vẫn còn số thuế nộp thừa thì tổ chức chi trả sẽ thực hiện các bước làm hồ sơ hoàn thuế nhé.

Hồ sơ hoàn thuế TNCN sẽ bao gồm 2 hồ sơ sau:

Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu số 01/ĐNHT.

Bản chụp chứng từ, biên lai nộp thuế thu nhập cá nhân và người đại diện hợp pháp của tổ chức, cá nhân trả thu nhập ký cam kết chịu trách nhiệm tại bản chụp đó.

Câu hỏi 5: Quyết toán thuế TNCN với trường hợp NLĐ có HĐLĐ và có thu nhập vãng lai sẽ như thế nào?

Theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định: Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập, cụ thể như sau:

Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện việc quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm. 

Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm; đồng thời có thu nhập văng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

Theo quy định trên thì nếu người lao động có thu nhập chính tại một nơi (tức là có ký hợp đồng lao động) và có thu nhập tại nơi khác lớn hơn 10 triệu đồng thì phải tự quyết toán với cơ quan thuế.

Câu hỏi 6: Về hồ sơ, thủ tục để đăng ký người phụ thuộc là bố mẹ đẻ đã qua tuổi lao động và không có lương hưu nhưng không chung sổ hộ khẩu như thế nào?

Tại điểm g.3, khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định hồ sơ chứng minh người phụ thuộc là cha đẻ, mẹ đẻ hồ sơ chứng minh gồm:

– Bản chụp Chứng minh nhân dân.

– Giấy tờ hợp pháp để xác định mối quan hệ của người phụ thuộc với người nộp thuế như bản chụp sổ hộ khẩu (nếu có cùng sổ hộ khẩu), giấy khai sinh, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên, hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ chứng minh là người khuyết tật, không có khả năng lao động như bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật đối với người khuyết tật không có khả năng lao động, bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn, ,..).”

Như vậy, trường hợp sổ hộ khẩu không xác định được quan hệ của người phụ thuộc là cha, mẹ để của cá nhân người lao động thì cá nhân người lao động có thể sử dụng giấy tờ hợp pháp khác để xác định mối quan hệ này như giấy khai sinh ,…

Câu hỏi 7: vậy về khấu trừ thuế TNCN đối với sinh viên thực tập sẽ như thế nào?

Theo điểm i Khoản 1 Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn về khấu trừ thuế TNCN như sau: 

Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.”

Như vậy, trường hợp sinh viên thực tập, chưa ký hợp đồng lao động thì thực hiện khấu trừ thuế TNCN theo mức 10% đối với khoản chi trả từ 2 triệu trở lên trước khi trả cho cá nhân.

Vậy là, DOHICO đã trả lời 1 số câu hỏi liên quan đến Thuế TNCN nếu bạn còn thắc mắc thì có thể liên hệ với DOHICO để được giải đáp.

Cám ơn các bạn đã xem bài viết.

Liên hệ với chúng tôi:

– Qua page: http://dohico.com/lien-he/

– Hotline: 0918.880.260 – 0796.381.939

– Điện thoại: 0918.880.260 – 0796.381.939

– Liên hệ ngoài giờ hành chính: 0918.880.260

– Email: BaoCaoThueTronGoi@gmail.com

– Youtube: Pháp lý Dohico